Triển vọng ngành Đầu tư công

Thứ 4, 02/07/2025

::

AM
Đầu tư chứng khoán khoa học trên nền tảng phân tích dữ liệu và thống kê
Triển vọng ngành Đầu tư công
28/06/2023 07:33 AM 904 Lượt xem

    ĐẦU TƯ CÔNG

    SƠ BỘ VỀ ĐẦU TƯ CÔNG TẠI VIỆT NAM

    Đầu tư công trở thành từ khóa nổi bật trong năm nay, nhất là trên thị trường chứng khoán nhờ mối liên hệ giữa thúc đẩy đầu tư công và tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, động lực tăng trưởng kinh tế trong năm nay có sự dịch chuyển. Nếu theo công thức chi tiêu với GDP=C+ I+ NX+G với Chi tiêu hộ gia đình (C) và đầu tư doanh nghiệp (I) có xu hướng sụt giảm trong năm nay thì NX (Cán cân XNK) và G (Chi tiêu chính phủ) được xem là trọng tâm giúp cải thiện GDP.

    Chính vì vậy, có nhiều kỳ vọng về tác động của đầu tư công và trên thực tế kế hoạch đầu tư công của Chính phủ cũng được đẩy mạnh rõ rệt trong năm 2023 phần nào chứng minh kỳ vọng trên.

    Cụ thể, Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711,684.386 tỷ đồng. Trong đó, Chính phủ kỳ vọng 95% vốn đầu tư được giải ngân so với kế hoạch trong năm nay.

    Nganh Dau tu cong

    Xét theo từng tháng, số giải ngân đầu tư công trong tháng 5 đạt 46.569 nghìn tỷ đồng, tăng 27,7% so với tháng liền trước và là mức giải ngân cao nhất từ đầu năm đến nay. Giá trị giải ngân đầu tư công liên tục tăng trưởng từ tháng 3 là dấu hiệu tích cực cho thấy thể hiện kì vọng số giải ngân sẽ tiếp tục tăng trong các tháng sau.

    So với kế hoạch Chính phủ đề ra thì trung bình 8 tháng cuối năm (đến 01/2024) mỗi tháng cần giải ngân 68.744 tỷ đồng, cao hơn 47,6% so với số tháng 5. Con số trên vừa là thách thức của Chính phủ, vừa thể hiện cơ hội tạo ra cho nhóm các doanh nghiệp xây lắp hiện đang được tin tưởng giao cho các gói thầu xây lắp.

    ngành đầu tư công

     

    ngành đầu tư công

    Đầu tư công theo lĩnh vực: Trọng tâm đầu tư công nhìn chung vẫn về cải thiện cơ sở hạ tầng: đường xá (các tuyến cao tốc và sân bay)- năng lượng (quy hoạch điện VIII)

    ngành đầu tư công

    Các số liệu về cơ cấu vốn đầu tư công theo lĩnh vực giai đoạn 2010 - 2020 cho thấy, đầu tư công ở Việt Nam chủ yếu dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng; trong đó, đầu tư công trong lĩnh vực giao thông vận tải, kho bãi chiếm tỷ trọng lớn nhất (tăng từ mức 18% năm 2010 lên 28% năm 2020); đứng thứ hai là sản xuất và phân phối điện, nước chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng vốn đầu tư công năm 2010 và giảm xuống còn 11% năm 2020. Đầu tư công cho kết cấu hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, nghệ thuật và vui chơi giải trí chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 11% - 20% trong giai đoạn 2010 - 2020. Tỷ trọng đầu tư công cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo trung bình là 8% trong thời kỳ 2016 - 2020, tăng cao hơn so với mức 5% của thời kỳ 2010 - 2015. Đối với lĩnh vực y tế, con số trung bình là 6% thời kỳ 2016 - 2020, cao hơn so với mức 3% của thời kỳ 2010 – 2015 (Nguồn: tạp chí nghiên cứu tài chính kế toán, gso).

    TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ

    Trên thực tế, đã có nhiều nỗ lực ở các bộ ban ngành trong việc phân bổ vốn đầu tư công. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy tiến độ chỉ thực sự rõ nét ở một số dự án giao thông trọng điểm.

    Xét tổng quan, theo số liệu của Bộ tài chính, tỷ lệ giải ngân đầu tư công trong 5 tháng đầu năm ước chỉ đạt 20.8% kế hoạch.

    Quan tâm đến xu hướng đầu tư công giai đoạn tiếp theo 2024-2025 và dài hạn

    Ngành đầu tư công

    Thay vì quan tâm đến tốc độ giải ngân, chúng tôi cho rằng quy mô đầu tư công của Việt Nam trong 3 năm tới dự kiến sẽ giúp các ngành nghề luân chuyển được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư của Nhà nước.

    Các ngành năng lượng-xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp với tỷ trọng lớn trong cơ cấu phân bổ đầu tư công. Trong đó, nhóm năng lượng với Quy hoạch Điện VIII và nhóm xây dựng với các kế hoạch phân bổ cho nhóm giao thông-vận tải bao gồm các dự án cao tốc trọng điểm và sân bay Long Thành (2021-2026).

    CÁC NGÀNH HƯỞNG LỢI

    HẠ TẦNG- XÂY DỰNG ĐI TRƯỚC

    Watch- list: VCG, HHV, C4G, LCG, CII

    Theo số liệu công bố, ngành giao thông vận tải được giao hơn 94,100 tỷ đồng vốn đầu tư công, gấp 1.7 lần năm 2022 và là con số lớn nhất từ trước đến nay. Vốn đầu tư công của ngành giao thông được giao nhiều nhất dành cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, chiếm 48%; tiếp theo là các dự án giao thông trong nước khác, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các dự án ODA và các dự án trọng điểm, cấp bách.

    Trong năm 2023, Bộ GTVT yêu cầu sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn I 2017 - 2020 và giai đoạn II 2021 - 2025, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I, dự án đường bộ Chợ Mới - Bắc Kạn… Bên cạnh đó, Bộ GTVT ra Nghị quyết với các đơn vị, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 như: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn -Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cầu Mỹ Thuận 2, Nha Trang - Cam Lâm, Mỹ Thuận - Cần Thơ, luồng sông Hậu giai đoạn 2, tuyến đường thủy Kênh Chợ Gạo giai đoạn II; đồng thời, đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, các dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn 2021 - 2025.

    Theo ông Lê Quyết Tiến - quyền cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng - cho biết năm 2023 dự kiến khởi công 24 dự án giao thông, hoàn thành 29 dự án gồm:

    +Tập trung hoàn thành 7 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 (Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn (dự kiến khai thác 2/9/2033), Nghi Sơn - Diễn Châu (dự kiến hoàn thành 8/2023), Nha Trang - Cam Lâm (hoàn thành 5/2023), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (hoàn thành 5/2023), Phan Thiết - Dầu Giây (hoàn thành 4/2023), cầu Mỹ Thuận 2 (dự kiến hoàn thành 12/2023) và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (dự kiến hoàn thành T12/2023).

    +Đẩy nhanh tiến độ 2 dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vinh hoàn thành trong năm 2024 và 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.

    +Tập trung chỉ đạo thi công các dự án: cầu Rạch Miễu 2, tuyến tránh quốc lộ 1 thành phố Cà Mau; dự án mở rộng quốc lộ 1 qua tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang; 7 dự án sử dụng vốn ODA; 3 dự án đường sắt cấp bách và một số dự án giao cho các địa phương làm chủ đầu tư…

    Trúng thầu dự án đầu tư công

    Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây dựng hạ tầng hưởng lợi đầu tiên Backlog các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp chủ chốt là khá lớn với tiến độ các dự án trải dài. Tuy nhiên, biên lợi nhuận từ hoạt động này lại là điểm trừ (2%-3%), chưa kể đến tác động từ biến động giá vật liệu xây dựng.

    Tập trung các doanh nghiệp trúng thầu cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 Không thể phủ nhận tác động tích cực từ việc đẩy nhanh đầu từ công đến các doanh nghiệp ngành xây dựng. Tuy nhiên, cần đánh giá chi tiết hơn về cơ cấu doanh thu để có cái nhìn nhận tác động thực tế đối với từng doanh nghiệp.

    Cơ cấu doanh thu

    VCG- Khối lượng trúng thầu lớn nhất trong các doanh nghiệp niêm yết

    Hiện VCG sở hữu lượng backlog lớn khoảng 20,000 tỷ đồng nhờ trúng thầu các dự án như Bãi Vọt-Hàm Nghi, Quy Nhơn- Chí Thanh, Vân Phong- Nha Trang, Sân bay Long Thành, Sân bay Phú Bài, Cầu Vĩnh Tuy 2…giúp doanh nghiệp có kỳ vọng doanh thu tăng trưởng nhảy vọt trong giai đoạn 2023-2024.

    Mảng xây lắp đầu tư công vẫn chiếm trọng số lớn trong cơ cấu doanh thu tuy nhiên biên lợi nhuận mỏng (2%-3%) và chịu nhiều biến số như vấn đề về biến động giá vật liệu xây dựng khiến doanh nghiệp có kế hoạch lợi nhuận thận trọng trong năm nay.

    HHV- Khối lượng backlog lớn, tuy nhiên gặp áp lực vốn trong ngắn hạn khi tham gia vào các dự án đầu tư có quy mô lớn

    Năm 2023, trong hoạt động thi công xây lắp, HHV đã trúng các gói thầu XL1, XL2 và XL3 thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn với tổng giá trị hợp đồng gần 14,500 tỷ đồng. Trong thời gian tới, HHV tham gia đấu thầu thi công xây lắp các dự án đầu tư công và đầu tư PPP, với tổng giá trị dự kiến khoảng 4,000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2023-2025, HHV cũng dự kiến tham gia đầu tư cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Hữu Nghị-Chi Lăng với tổng mức đầu tư khoảng 40,000 tỷ đồng.

    Trên thực tế, doanh thu trạm thu phí BOT lại chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của HHV (70%) và cũng là mảng đóng góp lợi nhuận lớn nhất cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, triển vọng lợi nhuận của HHV sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các dự án đầu tư mà doanh nghiệp này tham gia. Tuy nhiên, cần thời gian dài hơi để HHV có thể hoàn vốn từ các dự án này, đặc biệt giai đoạn 2023-2025 là cao điểm đầu tư của doanh nghiệp.

    C4G- Lợi nhuận 2023 khả quan

    C4G là một trong những nhà thầu tiêu biểu trong thi công công trình xây dựng hạ tầng tại Việt Nam với nhiều dự án lớn trên cả nước. Trong giai đoạn 2021-2025, C4G trúng thầu nhiều dự án cao tốc Bắc -Nam với quy mô backlog hiện tại khoảng 5,000 tỷ đồng. Cụ thể, CIENCO4 đảm nhận dự án cao tốc đoạn Bùng - Vạn Ninh giá trị thi công hơn 1.800 tỷ đồng (chiếm gần 56% tổng giá trị gói thầu). Tương tự, tại dự án Hậu Giang - Cà Mau, giá trị xây lắp CIENCO4 thực hiện là 1.778 tỷ đồng (chiếm 27,5%) và ký hợp đồng tại hàng loạt các công trình, dự án giao thông khác. Đơn cử như dự án hầm chui Giải Phóng giá trị xây dựng 524 tỷ đồng (chiếm 94%); gói XL04 Lai Châu giá trị 332 tỷ đồng. Bên cạnh đó, C4G cũng là ứng cử viên sáng giá khi đấu thầu thi công đường bằng sân bay Long Thành.

    LCG- Kỳ vọng bứt phá nhờ cả cao tốc Bắc Nam và quy hoạch điện VIII

    Trả lời thắc mắc của cổ đông về kế hoạch doanh thu tăng mạnh 83% nhưng lợi nhuận giảm 23% so với 2022, ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT cho biết, Công ty được chỉ định thực hiện một số gói thầu giai đoạn 2 trong dự án cao tốc Bắc - Nam, tuy nhiên biên lợi nhuận của hoạt động kinh doanh này thấp. Với mức giá chỉ thầu (khác với đấu thầu), nên khi tham gia thầu Công ty phải cắt giảm 5% theo giá chào thầu nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của Công ty.

    Với lĩnh vực năng lượng tái tạo (chiếm 7% tỷ trọng doanh thu), Lizen thành lập và góp vốn vào ba công ty trong lĩnh vực Solar, trong đó hai công ty đã đi vào vận hành và có nguồn thu ổn định và hai công ty điện gió đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng. Năm 2023, công ty tập trung chính trong hai dự án Thăng Hưng - Gia Lai và Đình Lập - Lạng Sơn, thực hiện các công việc tiền phát triển dự án trong thời gian chờ phê duyệt chính thức quy hoạch điện VIII và các cơ chế DPPA. Hai dự án này có giá trị đăng ký đầu tư 776 tỷ đồng.

    Với mảng bất động sản, LCG sẽ triển khai cụ thể theo từng dự án. Hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với phần dự án đã chuyển nhượng làm cơ sở để thu hồi hết giá trị chuyển nhượng tại dự án Long Tân City và Dự án Điền Phước (kỳ vọng năm nay).

    CII- Cơ cấu doanh thu phụ thuộc lớn vào BĐS

    Năm 2023, CII sẽ tập trung khai thác các dự án đã về đích gồm 7 dự án BOT, tòa nhà 152 Điện Biên Phủ và một số dự án bất động sản khác.

    Kế hoạch triển khai các dự án mới

    • Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2.
    • Cụm dự án miền Tây có giá trị 1 tỷ USD (hiện chỉ có CII là đủ năng lực thi công). Yêu cầu gói thầu 1 tỷ USD đã được Nhà nước đẩy nhanh nhưng phải đến cuối 2024 Công ty mới có thể dự thầu do phải lên thiết kế hạ tầng.

    Gia tăng dòng thu từ các dự án BOT cầu đường: CII dự kiến sẽ bắt đầu hợp nhất dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dự án có doanh thu lớn nhất trong danh mục hiện tại) từ Q3/2023.

    Mảng BĐS: Về quỹ đất tại Thủ Thiêm, CII có tổng cộng 9.6 ha, đã sử dụng 4.3 ha, còn 5.3 ha nhưng khi nào nhận được đất thực tế để khai thác xây dựng chung cư, văn phòng thì vẫn chưa xác định được. Trong năm nay, công ty sẽ hoàn thành việc bản giao phần căn hộ còn lại tại các dự án bất động sản hiện hữu như D'Verano, The River và căn hộ 152 Điện Biên Phủ.

    NHÓM VẬT LIỆU XÂY DỰNG CŨNG KHÔNG ĐỨNG NGOÀI

    Song hành cùng các dự án đầu tư công (hạ tầng giao thông), nhóm vật liệu xây dựng hưởng lợi gián tiếp với nhu cầu lớn về thép, đá, xi măng.

    Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp lớn nhất ngành và/hoặc có vị trí gần các dự án trọng điểm (đá, xi măng) sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi từ xu hướng đầu tư công hiện tại.

    Watch-list:

    • Thép: HPG, HSG, NKG.
    • Đá: KSB, DHA, VLB
    • Xi măng: BCC

    Mặc dù vậy, với các doanh nghiệp thép, chúng tôi cho rằng việc tham gia vào các dự án đầu tư công chỉ là cứu cánh cho năm tài chính kém khả quan do bối cảnh thị trường BĐS vẫn còn đóng băng. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này chỉ có thể bứt phá thực sự khi chu kỳ ngành BĐS quay trở lại.

    Với cổ phiếu khai thác đá, chúng tôi lựa chọn do các doanh nghiệp này sở hữu mỏ đá dọc hoặc gần các dự án trọng điểm ở khu vực phía Nam như Đồng Nai và Bình Dương với trữ lượng khai thác lớn, đáp ứng được quy mô yêu cầu.

    Với cổ phiếu xi măng, mặc dù đưa vào danh sách theo dõi, tuy nhiên chúng tôi đánh giá kém khả quan với nhóm ngành này do sự dư thừa nguồn cung xi măng diễn ra nhiều năm trở lại đây. Do vậy, đầu tư công chỉ là chất xúc tác ngắn hạn cho các cổ phiếu nhóm ngành này. Biên lợi nhuận mỏng cùng sự khó khăn chung trên thị trường xây dựng-BĐS, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao vẫn là gánh nặng với cổ phiếu xi măng.

    ĐẦU TƯ CÔNG CÙNG QUY HOẠCH ĐIỆN VIII

    Watch-list: GAS, PVS, PVD, PC1, TV2.

    Sơ bộ về quy hoạch điện VIII

    Quy hoạch điện VIII mới được thông qua hồi tháng 5 với một số chủ điểm chính bao gồm:

    1. Tăng cường quy mô đầu tư cho sản xuất và truyền tải điện quốc gia mới tổng quy mô 127 tỷ USD
    2. Đẩy mạnh phát triển điện khí và điện gió.
    3. Duy trì tỷ trọng điện than tới năm 2030, tuy nhiên hạ dần và đưa tỷ trọng điện than về gần 0 cho tới năm 2050.

    Rõ ràng với định hướng nêu trên, ngành và doanh nghiệp hưởng lợi nhất là từ xu hướng phát triển điện khí (LNG) và điện gió trong dài hạn (GAS, PVS, PVD). Trong đó, trọng tâm phải kể đến các doanh nghiệp xoay quanh dự án Lô B Ô Môn với quy mô đầu tư hơn 10 tỷ USD dự kiến sẽ sớm được phê duyệt triển khai trong quý 3 năm nay. Trong khi đó, trong ngắn hạn, nhóm nhiệt điện than vẫn đang được hưởng lợi cùng xu hướng ngành do sự thiếu hụt của sản lượng thủy điện do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết.

    Quay trở lại với điện gió, chúng tôi cho rằng PVS là một trong những cái tên sáng nhất trong ngành nhờ năng lực thi công ngoài khơi dày dạn. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua các doanh nghiệp xây lắp truyền tải điện hưởng lợi xuyên suốt quá trình phát triển năng lượng của Việt Nam (PC1, TV2).

    PC1- Ông trùm xây lắp điện

    PC1 đang dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực xây lắp điện với kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án truyền tải điện quốc gia, đặc biệt là các dự án tổng thầu EPC, PC tới cấp điện áp 500 KV và các dự án có tính đặc thù cao (trạm Gis, dự án cấp điện ra đảo, dự án cáp ngầm…). Năng lực thi công xây lắp điện của PC1 giúp doanh nghiệp luôn là lựa chọn hàng đầu trong các dự án điện của Việt Nam song hành cùng Quy hoạch điện VIII.

    Với mảng điện, hoạt động của các nhà máy thủy điện gặp khó trong năm nay do yếu tố khí hậu trong khi mảng năng lương tái tạo duy trì ổn định với các nhà máy đang hoạt động tại miền Trung -Việt Nam.

    PVS- Thương hiệu quốc gia về dịch vụ kỹ thuật dầu khí

    Đầu tư công

    Song hành với đó, kỳ vọng lô B Ô Môn sớm được phê duyệt và khởi công tạo tiền đề cho lượng công việc ổn định đối với nhà thầu này bao gồm cả các công trình ngoài khơi cũng như các công trình trên cạn liên quan đến vận chuyển khí và điện khí.

    Nhắc đến phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam và đặc biệt là điện gió ngoài khơi, PVS là cái tên sáng giá nhất được gọi tên khi là doanh nghiệp duy nhất có đủ năng lực thi công các dự án ngoài khơi của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, PVS liên tục trúng thầu các dự án điện gió ngoài khơi với các đối tác quốc tế. Thông tin về việc doanh nghiệp có khả năng cao trúng thầu dự án M&C ngoài khơi khác với quy mô hàng tỉ USD cho đến năm 2023 mở ra kỳ vọng lớn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

    Trong kỳ ĐHCĐ 2023, ĐGĐCĐ công ty cũng đã thông qua định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi với 2 trụ cột chính là 1/ phát triển thành nhà thầu cung cấp dịch vụ tầm quốc tế về NLTTNK bên cạnh lĩnh vực dầu khí hiện tại và 2/ tham gia đầu tư, phát triển các dự án NLTT với bước đầu là điện gió ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam.

    ĐẦU TƯ CÔNG KHÁC

    Xoay quanh chủ điểm đầu tư công với nhiều lĩnh vực khác nhau, cơ hội đầu tư cũng xuất hiện ở một vài nhóm ngành nhỏ hơn như hạ tầng viễn thông với kế hoạch triển khai hạ tầng 5G. Trong đó, chúng tôi lưu ý CTR là cổ phiếu tiêu biểu trong ngành.

    CTR

    Việc triển khai băng tần mới 4G, cùng với việc mở rộng thị phần di động của Tập đoàn Viettel sẽ là động lực tăng trưởng cho mảng khai thác và cho thuê hạ tầng viễn thông của CTR. Doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư hạ tầng cho thuê, hướng đến mục tiêu trở thành TowerCo số 1 Việt Nam. Hiện CTR đã chuẩn bị cho việc đầu tư hạ tầng để sẵn sàng cho giai đoạn "bùng nổ" 5G. Với tần số 5G, hạ tầng viễn thông cần lượng trạm small cell lớn, rải rác khắp cả nước, giá trị của trạm 5G cũng ít nhất gấp đôi so với trạm 4G

     

    Đọc thêm

    Thu gọn

    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline