Phân tích chứng khoán
Tổng quan về phân tích chứng khoán
Phân tích chứng khoán là một tập hợp các khái niệm, phương pháp và các công cụ cho phép xử lý các thông tin nhằm trợ giúp cho việc ra quyết định đầu tư chứng khoán. Hoạt động phân tích chứng khoán cuối cùng phải giúp nhà đầu tư xác định giá trị của chứng khoán và thời điểm để ra quyết định đầu tư.
Có ba cách xem xét ra quyết định đầu tư.
- Cách thứ nhất: xác định giá trị (nội tại) của chứng khoán, trên cơ sở đó, lựa chọn chứng khoán phù hợp dựa trên sự so sánh giữa giá trị thực với giá của chứng khoán. Đây là nội dung của phương pháp phân tích cơ bản hay phân tích tài chính.
- Cách thứ hai: nhà đầu tư xem xét xu hướng biến động của giá chứng khoán dựa vào việc nghiên cứu số liệu về giá chứng khoán trong quá khứ với nhiều công cụ khác nhau, chủ yếu là đồ thị, từ đó, tìm ra thời điểm mua bán chứng khoán thích hợp. Đây là nội dung của phương pháp phân tích kỹ thuật và phương pháp này không quan tâm đến giá trị thực của chứng khoán.
- Cách thức thứ ba: không quan tâm đến giá trị thực mà chỉ xem xét xu hướng biến động giá chứng khoán, thậm chí, người ta không cần biết đến tổ chức phát hành ra loại cổ phiếu đó. Nhiều người quan niệm rằng, kinh doanh chứng khoán cũng giống như buôn bán bất kỳ loại hàng hóa nào, chỉ cần thực hiện “mua rẻ và bán đắt”. Họ thực hiện phương châm “mua của người chán, bán cho người cần”. Nếu có người chán, nhà đầu tư có thể mua rẻ, sau đó bán đắt cho người thích mà chẳng cần biết loại hàng hóa đó như thế nào. Để làm được điều đó, những nhà đầu tư này rất giỏi về phân tích tâm lý và hành vi của các nhà đầu tư trên thị trường, từ đó tìm các cơ hội kiếm lời.
Có thể nói, phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là hai phương pháp được biết đến nhiều nhất. Trong phân tích cơ bản, giá trị thực của cổ phiếu là thông tin mà các nhà phân tích muốn có. Giá trị của chứng khoán là giá trị hiện tại của các dòng thu nhập dự kiến thu được từ chứng khoán với tỷ lệ chiết khấu là tỷ lệ lợi tức yêu cầu của các nhà đầu tư. Giá trị này phụ thuộc vào ba nhân tố cơ bản: (1) độ lớn và thời điểm của các dòng thu nhập; (2) mức độ rủi ro của dòng thu nhập và (3) tỷ lệ chiết khấu. Trong đó, hai nhân tố được quan tâm nhất chính là độ lớn của dòng thu nhập và tỷ lệ chiết khấu. Phân tích và lựa chọn cổ phiếu chính là việc xem xét, xác định giá trị thực của cổ phiếu.
Bên cạnh đó, giá trị của cổ phiếu ngoài phụ thuộc vào giá trị cơ bản của công ty - hay nói cách khác khả năng sinh lời tương ứng với mức độ rủi ro của công ty, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào môi trường hoạt động của công ty, bao gồm cả môi trường chung cho các công ty và môi trường hoạt động của mỗi ngành. Để xác định giá trị của mỗi công ty, từ đó xác định giá trị của cổ phiếu, người ta phải lần lượt qua ba giai đoạn: phân tích kinh tế vĩ mô, phân tích ngành kinh tế và phân tích công ty.
PHÂN TÍCH KINH TẾ VĨ MÔ
Phân tích kinh tế vĩ mô được thực hiện qua hai nội dung: (1) Phân tích định tính nhằm trả lời cho câu hỏi, thị trường đang được dẫn dắt bởi những nhân tố nào đang xảy ra trong nền kinh tế, và (2) Phân tích định lượng nhằm áp dụng các phương pháp định giá chứng khoán để xác định giá trị thị trường của cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán có thể phản ánh thực trạng của nền kinh tế. Kinh tế tăng trưởng, sản xuất và tiêu dùng đều tăng, thị trường cũng phát triển ngoạn mục và ngược lại, khi kinh tế suy thoái, sản xuất đình đốn, thất nghiệp gia tăng, làm cho thị trường rơi vào thế khủng hoảng. Ngược lại, các yếu tố của nền kinh tế lại tác động trở lại thị trường chứng khoán.
Vậy những yếu tố vĩ mô nào là những chỉ dẫn đáng tin cậy cho việc đánh giá và dự báo xu thế phát triển của thị trường chứng khoán? Rõ ràng, thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế cũng như các nhân tố của nền kinh tế. Để có cái nhìn tổng quát về tình hình kinh tế và triển vọng một quốc gia, người ta nghiên cứu nền kinh tế và các hoạt động kinh tế. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chứng khoán thường tìm cách đánh giá và đo đoán về tác động của tăng trưởng hay suy thoái kinh tế đến các công ty đầu tư cũng như ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau.
Các nhân tố tác động lớn đến thị trường chứng khoán mạnh hơn nền kinh tế như: chu kỳ kinh tế; biến động về cung tiền; quyết định của Ngân hàng Trung ương (chính sách tiền tệ) và các nhân tố liên quan quốc tế.
Tìm hiểu chi tiết về Phân tích vĩ mô và Các chỉ báo kinh tế trong đầu tư tại đây
Phân tích ngành kinh tế
Phân tích ngành là một nội dung quan trọng của quy trình phân tích ba bước trong phân tích cơ bản, nhằm giúp cho các nhà đầu tư trong việc lựa chọn chứng khoán và hoạch định chính sách quản lý danh mục đầu tư. Các nghiên cứu cho thấy, trong cùng một thời kỳ, các ngành khác nhau có rủi ro và lợi nhuận khác nhau. Hơn nữa, tỷ suất lợi nhuận của mỗi ngành biến động theo thời gian, do vậy, không thể dự báo lợi nhuận của ngành trong tương lai dựa vào lợi nhuận trong quá khứ. Tuy nhiên, những đánh giá về rủi ro của các ngành khá ổn định qua thời gian, do vậy, những đánh giá về rủi ro trong quá khứ vẫn có giá trị tốt cho việc dự báo rủi ro của các ngành. Việc phân tích ngành giúp cho các nhà đầu tư tìm được ngành tốt hơn và tránh được thua lỗ trong hoạt động đầu tư. Phân tích ngành cũng rất quan trọng cho phân tích công ty để lựa chọn cổ phiếu.
Để xác định giá cổ phiếu của một doanh nghiệp trong ngành, như những trao đổi về định giá chứng khoán trước đây, cần xác định thu nhập và rủi ro của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, thu nhập và rủi ro của mỗi doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố ngành: mỗi ngành khác nhau sẽ có tỷ suất lợi nhuận biên khác nhau do chịu tác động của những thay đổi trong cấu trúc kinh tế khác nhau. Hơn nữa, tỷ suất lợi nhuận biên của mỗi ngành trong mỗi giai đoạn là khác nhau do ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế và chu kỳ sống của ngành. Bên cạnh đó, mỗi ngành khác nhau có mức độ cạnh tranh khác nhau, mức độ cạnh tranh càng lớn, thu nhập càng thấp và rủi ro càng cao cho các doanh nghiệp trong ngành.
Ngày nay, sự phân biệt các ngành có nghĩa là tương đối do các doanh nghiệp trong mỗi ngành đều cố gắng đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, nhiều doanh nghiệp thực hiện chiến lược hoạt động theo hướng phát triển tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực và đa lãnh thổ. Tuy nhiên, có thể chia các ngành thành các nhóm ngành chủ yếu: ngành ngân hàng - tài chính; ngành hàng tiêu dùng lâu bền; ngành công nghiệp cơ bản (dầu mỏ, ga khí đốt...); ngành hàng tiêu dùng thiết yếu; ngành chế tạo máy; ngành xây dựng; ngành vật liệu xây dựng...
Một số phân tích như:
- Phân tích chu kỳ kinh tế
- Phân tích sự thay đổi cấu trúc kinh tế
- Phân tích chu kỳ sống của ngành
- Phân tích môi trường cạnh tranh
Phân tích công ty
Phân tích công ty với trọng tâm là phân tích các báo cáo tài chính và các chỉ tiêu tài chính đặc trưng của công ty nhằm giúp các nhà đầu tư trong việc ra quyết định lựa chọn cổ phiếu. Từ đó, các nhà phân tích, các nhà đầu tư có thể vừa đánh giá toàn diện, tổng hợp khái quát, vừa xem xét chi tiết hoạt động tài chính công ty để nhận biết, phán đoán, dự báo và đưa ra các quyết định tài chính và quyết định đầu tư.
Bên cạnh đó, việc ra quyết định đầu tư và lựa chọn cổ phiếu để đầu tư còn được hỗ trợ bởi việc định giá cổ phiếu. Xác định giá trị hợp lý/gia trị nội tại của cổ phiếu, so sánh với giá trị thị trường hiện tại của cổ phiếu, để ra các quyết định đầu tư đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Nhà đầu tư thực hiện hoạt động phân tích cơ bản phải trải qua ba giai đoạn: 1) phân tích vĩ mô nền kinh tế và thị trường cổ phiếu nhằm xác định tỷ trọng vốn đầu tư vào cổ phiếu; 2) phân tích các ngành kinh doanh nhằm xác định những ngành có thu nhập trên mức rủi ro trung bình. Lúc này nhà đầu tư phải trả lời câu hỏi cuối cùng trong quy trình phân tích cơ bản; 3) có những công ty nào trong ngành kinh doanh đã được lựa chọn là tốt nhất và cổ phiếu đang bị đánh giá thấp hay không? Nói cách khác, công ty được lựa chọn là những công ty mà giá trị của cổ phiếu lớn hơn giá thị trường, hoặc tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng của cổ phiếu ngang bằng hay lớn hơn tỷ suất lợi nhuận yêu cầu.
Phân tích công ty và sự lựa chọn cổ phiếu có sự khác biệt: Cổ phiếu của những công ty tốt không nhất thiết là khoản đầu tư tốt. Việc phân tích cho phép đánh giá về chất lượng của công ty, đội ngũ quản lý và triển vọng của công ty trong tương lai. Tuy nhiên, giá trị của một công ty không phải là sự phản ánh nhu cầu đầu tư vào cổ phiếu của công ty đó. Trong lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư phải so sánh giá trị thực của một cổ phiếu và giá trị thị trường để quyết định xem có nên đầu tư vào cổ phiếu đó không. Cổ phiếu của một công ty tốt và đội ngũ quản lý có năng lực và kết quả hoạt động cao có thể có thị giá quá cao so với giá trị thực, loại cổ phiếu này không đáng đầu tư. Ngược lại, cổ phiếu của một công ty có kết quả hoạt động kinh doanh không tốt, nhưng giá thị trường của cổ phiếu lại thấp hơn giá trị thực của nó. Việc đầu tư loại cổ phiếu này có thể giúp cho nhà đầu tư kiếm được thu nhập từ tăng giá cổ phiếu.
Phân biệt một số loại hình cổ phiếu:
- Công ty tăng trưởng và cổ phiếu tăng trưởng
- Công ty phòng vệ và cổ phiếu phòng vệ
- Công ty chu kỳ và cổ phiếu chu kỳ
- Công ty đầu cơ và cổ phiếu đầu cơ