GEG - Công ty Cổ phần Điện Gia Lai

Thứ 4, 02/07/2025

::

AM
Đầu tư chứng khoán khoa học trên nền tảng phân tích dữ liệu và thống kê
GEG - Công ty Cổ phần Điện Gia Lai
17/08/2023 03:28 PM 1257 Lượt xem

    GEG - Công ty Cổ phần Điện Gia Lai

    GEG là doanh nghiệp hoạt động thuần trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) được chính thức niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Tp. HCM từ tháng 09/2019. Năm 2022, GEG cung cấp đến 1.055 triệu kWh lên lưới điện quốc gia, với danh mục đa dạng từ loại hình năng lượng cho đến vị trí địa lý bao gồm 12 nhà máy thủy điện nhỏ, 5 trang trại điện mặt trời (ĐMT), 3 nhà máy điện gió và hệ thống ĐMT áp mái ở nhiều tỉnh thành cùng nhiều dự án NLTT đang dần được triển khai.

    Theo quan điểm được nêu trong Quy Hoạch Điện Quốc Gia lần thứ VIII (QHĐ8) cho giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ Tướng Chính Phủ chính thức phê duyệt vào giữa tháng 5/2023, ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng sẽ phải đi trước, làm nền cho phát triển kinh tế, nhu cầu đời sống nhân dân và an ninh quốc phòng, bao gồm cả cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp điện. Không chỉ vậy, Chính Phủ còn đặt ra mục tiêu tìm kiếm, thay thế và sử dụng các nguồn năng lượng xanh, giảm phát thải các loại khí ô nhiễm môi trường và đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu theo cam kết đã đề ra tại hội nghị COP 26 và 27. Theo đó, trong giai đoạn sắp tới Chính Phủ sẽ ưu tiên chú trọng phát triển các nguồn điện từ NLTT và xây dựng hạ tầng điện đồng bộ, đặc biệt là điện gió bao gồm điện gió gần bờ và ngoài khơi.

    GEG là doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi chính nhờ định hướng chú trọng phát triển NLTT trong thời gian tới theo chủ trương trong QHĐ8. Bên cạnh đó, GEG vẫn còn nhiều dự án gối đầu làm động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kết quả hoạt động kinh doanh, cùng với nhiều sự hỗ trợ nguồn vốn cho vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính thế giới lớn như Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), và Ngân hàng thế giới (WB), nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng cho những nước như Việt Nam.

    Vĩ mô

    Nhu cầu năng lượng

    Việt nam vẫn còn là một nước đang phát triển trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, nhu cầu về năng lượng ở phía trước còn rất lớn. Trung bình hàng năm, sản lượng điện tiêu thụ đạt mức tăng trưởng 8 - 9%, gần gấp rưỡi mức tăng trưởng GDP.

    Sản lượng điện

    Định Hướng Phát Triển Nguồn Điện Quốc Gia

    Theo QHĐ8 cho giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính Phủ sẽ chú trọng phát triển các nguồn NLTT, nhất là điện gió bao gồm điện gió trên bờ và ngoài khơi; kết hợp với việc xây dựng cơ sở hạ tầng ngành điện đồng bộ để dễ dàng huy động tối đa các nguồn NLTT và khắc phục nhược điểm thiếu tính ổn định, phụ thuộc vào thời tiết, hướng đến mục tiêu hạn đạt được trung hòa khí thải cac-bon sau năm 2050.

    Cũng theo QHĐ8, có ba (3) kịch bản định hướng chương trình phát triển nguồn điện bao gồm kịch bản cơ sở (kịch bản 1), kịch bản phụ tải cao (kịch bản 2) và kịch bản rủi ro (kịch bản 3). Theo đó, điện gió nói chung sẽ là ứng cử viên tiềm năng nhất cho phân khúc NLTT, vì thủy điện gần như đã hết dư địa để mở rộng thêm dựa trên địa hình của Việt Nam, còn ĐMT chỉ có thể huy động lúc trời nắng tốt, không đồng pha với giờ cao điểm buổi tối và cũng không thể huy động nhiều trong mùa mưa hoặc nắng yếu.

    Trong kịch bản tích cực nhất – kịch bản 3, công suất điện gió lên đến 27.880 MW năm 2030, gấp gần bảy (7) lần công suất hiện tại – 2022, ngược lại trong kịch bản kém hấp dẫn nhất thì công suất điện gió cũng được phát triển gấp gần 4 lần so với năm 2022, đạt 14,925 MW.

    Định Hướng Phát Triển Nguồn Điện Quốc Gia

    Cơ Chế Giá Mới Cho NLTT Kém Hấp Dẫn

    Ngày 07/01/2023, Bộ Công Thương (BCT) đã công bố Quyết định 21/QĐ-BCT chính thức phê duyệt giá trần cho các dự án năng lượng tái tạo ĐMT và điện gió chuyển tiếp trễ hẹn chính sách ưu đãi FIT trước đó kết thúc tháng 10/2021.

    Theo cơ chế giá mới, triển vọng đầu tư vào mảng NLTT trở nên kém khả quan hơn, chỉ số IRR (tỷ suất hoàn vốn nội bộ) giảm từ mức quanh 12% theo khung giá FIT trước đó, xuống lần lượt gần 5% cho ĐMT và 8% cho điện gió.

    Cơ Chế Giá Mới Cho NLTT Kém Hấp Dẫn

    Câu chuyện doanh nghiệp

    GEG hiện đang sở hữu danh mục NLTT đa dạng bao gồm thủy điện, phong điện và ĐMT trải dài, phân bổ trên nhiều tỉnh thành của cả nước. Đây cũng là một trong những định hướng của doanh nghiệp khi tập trung phát triển mảng NLTT: không tập trung một chỗ nhất định để hạn chế tối đa nhược điểm phụ thuộc vào thời tiết, dẫn đến thiếu tính ổn định và có thể phải xả bỏ, không được huy động do lệch pha với nhu cầu sử dụng năng lượng. Đây cũng là mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp khi doanh thu từ mảng bán điện đóng góp trung bình hơn 90% trong cơ cấu trong giai đoạn 2018 – 2022, còn lại gần 10% từ mảng dịch vụ kỹ thuật và bán hàng hóa, chủ yếu trong mảng NLTT.

    Thủy Điện

    Doanh nghiệp hiện đang sở hữu 12 nhà máy điện nhỏ (công suất dưới 30 MW), đa số nằm rải rác khắp tỉnh Gia Lai, có tổng công suất đạt 81 MW. Trong năm 2021 và 2022, các nhà máy thủy điện của GEG cung cấp lần lượt 343 và 358 triệu kWh, đạt doanh thu lần lượt 429 và 440 tỷ về cho tập đoàn.

    Thủy Điện

    El Nino

    Mô hình dự báo ENSO mới nhất của NOAA (tháng 5 so với tháng 2-2023) cho thấy sự tăng lên đáng kể xác xuất chu kỳ El Nino bắt đầu hoạt động mạnh từ giữa 2023, với tỷ lệ tăng từ 15% lên 81% trong tháng 5, và từ 36% lên 86% trong tháng 6.

    El Nino

    Theo đó, ACBS dự báo sản lượng thủy điện huy động sẽ sụt giảm mạnh trong chu kỳ hai (2) năm 2023 - 2024 của El Nino, chỉ đạt lần lượt 266 và 228 triệu kWh, mang lại doanh thu tương ứng lần lượt 352 và 316 tỷ đồng cho tập đoàn. Trong năm 2025, với kỳ vọng dựa trên sự trở lại của chu kỳ La Nina, sản lượng có thể tăng lên 342 triệu kWh và đem về 498 tỷ đồng doanh thu.

    Điện Mặt Trời (ĐMT)

    GEG hiện đang sở hữu năm (5) trang trại ĐMT mặt đất cùng danh mục ĐMT mái nhà nằm trải rộng ở nhiều tỉnh thành, với tổng công suất hơn 290 MWp và tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, cung ứng gần 400 triệu kWh, đóng góp trên 800 tỷ đồng doanh thu  trung bình mỗi năm về cho tập đoàn trong giai đoạn 2020 – 2022.

    Ngoài ra, GEG hiện đang phát triển dự án ĐMT Đức Huệ 2 – công suất 49 MWp ở Long An, dự kiến được vận hành thương mại cuối 2023 đầu 2024, nâng tổng công suất ĐMT lên 340 MWp. Với khung giá mới cho các dự án ĐMT chuyển tiếp được công bố hồi đầu năm nay, 1.184,90 đồng/kWh, ACBS dự phóng dự án mới sẽ đóng góp thêm trung bình 72 triệu kWh mỗi năm, đem về 85 tỷ đồng doanh thu cho tập đoàn.

    Điện Mặt Trời (ĐMT)

    Điện gió

    Tương tự, GEG hiện đang sở hữu năm (3) nhà máy điện gió, với tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng tương ứng 130 MW công suất, cung ứng gần 300 triệu kWh và đóng góp gần 700 tỷ đồng doanh thu cho tập đoàn trong năm 2022.

    Tương tự như mảng ĐMT, GEG cũng có một (1) dự án điện gió Tân Phú Đông 1 đã được chính thức đóng điện trong tháng 6/2023 cùng với phần công suất còn lại của dự án VPL 1 – 4.2 MW. Theo đó, ACBS ước tính dự án mới sẽ cung ứng lần lượt 147, 249 và 252 triệu kWh lên lưới điện quốc gia; đóng góp lần lượt 267, 452 và 458 tỷ đồng doanh thu về cho tập đoàn trong năm 2023, 2024 và 2025 với biểu phí giá mới ở mức 1.815,9 đồng cho mỗi kWh.

    Phong Điện

    Dịch Vụ Kỹ Thuật & Bán Hàng Hóa.

    Trong năm 2022, GEG ghi nhận doanh thu từ mảng này đạt 134 tỷ đồng gấp gần 10 lần 2021 do dịch COVID-19 bùng phát trong cùng năm. ACBS dự phóng công ty sẽ ghi nhận lần lượt 114, 123, và 133 tỷ đồng doanh thu từ mảng này trong năm 2023, 2024 và 2025, do triển vọng ảm đạm trong mảng NLTT trên nền cơ chế giá mới kém hấp dẫn hơn FIT và sẽ dần phục hồi trong dài hạn.

    Dịch Vụ Kỹ Thuật & Bán Hàng Hóa

    Rủi ro

    ACBS nhận thấy rủi ro của doanh nghiệp chủ yếu đến từ các khoản nợ khổng lồ tăng nhanh trong những năm gần đây để tài trợ phát triển các dự án NLTT. Tính đến cuối Q1/2023, khoản nợ vay của GEG đã lên đến con số 10.010 tỷ đồng, gấp 1,75 lần vốn chủ sở hữu (VCSH) ghi nhận trên báo cáo tài chính.

    Ngoài ra, GEG cũng đối mặt với nguy cơ cắt giảm công suất do dư thừa nguồn cung tại một vài thời điểm. Tuy nhiên, ACBS đánh giá rủi ro này không lớn do chủ trương từ ban đầu của công ty phân bổ đều các dự án ở nhiều vị trí khác nhau để giảm thiểu tối đa rủi ro này.

    Đọc thêm

    Thu gọn

    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline